“Vua” thép và những chiếc cầu treo thần tốc

{Tiền Phong} Khi nghe ông nói mỗi ngày có thể dựng xong một chiếc cầu treo, nhiều người bảo ông “chém gió” cho vui miệng. Nhưng có dịp chứng kiến tận mắt đội ngũ công nhân của ông thi công cầu, mới thấy ông không bịa. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và sự sáng tạo không ngừng, ông đã có thể dựng những chiếc cầu treo trong thời gian ngắn nhất, chất lượng tốt nhất.

Ông là Nguyễn Tăng Cường – Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung), người từng được mệnh danh là “vua” cần cẩu, “vua” thép. Giờ đây nhiều đồng bào còn gọi vui ông là “vua” cầu khi 30 ngày xây lắp xong 30 chiếc cầu treo, giúp bà con vùng sâu vùng xa đi lại thuận lợi, an toàn.

Ngày 20/5/2014, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương và Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Bộ GTVT đặt ra mục tiêu khá gấp: Trong 9 tháng phải xây dựng xong 186 chiếc cầu treo này.

Về điều này, ông Cường cho biết, để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa trong việc đi lại, giúp bà con rút ngắn khoảng cách với miền xuôi, doanh nghiệp của ông sẵn sàng lao vào những điểm “khó nhăn” nhất. Đặc biệt với năng lực vốn có từ những kiến trúc sư, kỹ sư được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến cùng với kinh nghiệm nhiều năm và hệ thống máy móc công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, ông tự tin mình có thể đảm bảo 4 mục tiêu Bộ GTVT đề ra. 

Hoàn thành 30 chiếc cầu treo trong vòng 1 tháng

Sau khi xem xét năng lực của nhiều doanh nghiệp, Bộ GTVT đã “chọn mặt gửi vàng”, giao dự án 186 cầu trên cho Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung làm Tổng thầu khảo sát, thiết kế và thi công. Để triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nhanh chóng thiết kế điển hình các mẫu cầu treo điển hình khổ từ 30m, 40m, 50m đến 200m để Bộ phê duyệt. Ông Nguyễn Tăng Cường cho biết, chỉ sau 1 tháng, đội ngũ kỹ sư của công ty đã hoàn thiện toàn bộ các mẫu thiết kế điển hình, trình Bộ GTVT phê duyệt. Và cũng trong 1 tháng đó, với đội ngũ công nhân hùng hậu, nhà máy cơ khí hiện đại, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã thi công hoàn thành 27 cây cầu (phần thượng bộ). Đặc biệt, đơn vị cũng đã thiết kế, đề xuất với Bộ GTVT đưa toàn bộ các thiết bị của cầu treo vào mạ kẽm, đảm bảo độ bền 50 năm. Hệ thống tăng đơ neo cáp trụ, dây neo đều được thiết kế trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, Đức, do đó sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng tốt, có độ chính xác cao. 


Cầu Nà Chạp- một cầu treo dân sinh được Tập đoàn Quang Trung xây dựng

Thực tế là với công nghệ “đúc cầu treo trong nhà máy”, trong thời gian chưa đầy 1 tháng ông Nguyễn Tăng Cường đã chỉ đạo cán bộ, kỹ sư thi công xong 30 chiếc cầu treo, khiến tư lệnh ngành giao thông hồi ấy là ông Đinh La Thăng không khỏi ngỡ ngàng.

“Chúng tôi thiết kế cầu treo theo dạng module, không cần cáp giằng gió để néo giữ nên cầu nhìn thanh thoát, chắc chắn. Với bề dày kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế của mình, Tập đoàn đã cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT bình quân 3 ngày sẽ làm xong 1 cây cầu. Dự án 186 cây cầu treo sẽ được hoàn thành và bàn giao đúng hẹn” – ông Cường nói.

Nghe ông Cường cam kết như đinh đóng cột, Bộ trưởng GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng hỏi làm cách nào mà 3 ngày xong 1 chiếc cầu? Ông Cường giải thích: Với dây chuyền công nghệ hiện đại trong nhà xưởng, 1 ngày chúng tôi có thể sản xuất tới 10 chiếc cầu. Chúng tôi sẽ thành lập 40 nhóm công nhân toả đi các tỉnh thành để triển khai phần hạ bộ. Phần này mất khoảng 1 tháng, tương đương làm xong 40 chiếc cầu phần hạ bộ. Trong lúc đó, chúng tôi sẽ lắp đặt song song phần thượng bộ. “Bình thường, phần thượng bộ công nhân chỉ cần 1 ngày, tuy nhiên chúng tôi cũng dự phòng thêm 2 ngày để tránh mưa bão, hoặc rủi ro thiếu thiết bị nên cam kết 3 ngày sẽ hoàn thành 1 cây cầu” – ông Cường nói thêm.

 Khi ngành giao thông cầu cứu “vua” cầu 

Câu chuyện dựng cầu treo không dừng lại ở đó. Nhiều người thắc mắc: Dự án 186 cây cầu treo muốn xong trong 9 tháng thì phải có nhiều doanh nghiệp triển khai, chỉ mình Tập đoàn Quang Trung liệu có đảm bảo tiến độ? Trước những nghi ngại đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao cho Ban Quản lý Dự án 3 (Tổng cục Đường bộ VN) mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Từ 1 đơn vị ban đầu, chỉ sau thời gian ngắn đã có tới 43 đơn vị “nhảy” vào dự án cầu treo. Thậm chí ngay cả một số cá nhân không đủ năng lực cũng được chấp thuận tham gia. 

Nhận thấy dự án bắt đầu bộc lộ sự “lộn xộn”, ông Nguyễn Tăng Cường quyết định không làm nữa, nhường chỗ cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, từ khi rời dự án đến nay, ông Cường vẫn không ngừng quan tâm đến số phận của những cây cầu. Không chỉ “băm nhỏ” dự án cầu treo dân sinh, qua tìm hiểu của phóng viên còn cho thấy ngay 1 cây cầu khi xây dựng, cũng có nhiều đơn vị cùng tham gia. Phần thượng bộ (cáp, dầm cầu, mặt cầu…) do một đơn vị phụ trách, phần hạ bộ (móng cầu) lại do một đơn vị khác phụ trách. Tình trạng nhiều nhà thầu cùng “nhảy vào” thi công đã dẫn đến một thực tế là nhiều cây cầu không đồng bộ về thiết kế, thời gian thi công bị kéo dài, thậm chí có hạng mục hiện nay vẫn dở dang.

Ngày 26/8/2016, ông Vũ Minh Thuận – Phó Tổng giám đốc Ban 3 đã phải tổ chức cuộc họp với các nhà thầu. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị năng lực yếu cả về kinh nghiệm lẫn tài chính nhưng không hiểu sao vẫn được tham gia thi công.

Ông Thuận cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều cây cầu không đảm bảo chất lượng. Điển hình như cầu treo xóm Sổ trên địa bàn tỉnh Hoà Bình bị bong tróc sơn, thiết kế không đúng bản vẽ, thanh dầm lẽ ra phải có 4 chiếc ốc vít  nhưng chỉ bắt được 2. Có đơn vị chỉ đảm nhiệm xây dựng 2 cầu treo, điển hình như Cty Hồng Quân song phải cầm cố cả nhà cửa ở ngân hàng để lấy tiền thi công, ngày nào cũng đến Ban 3 chìa giấy đòi nợ ra: “em sắp chết đến nơi rồi…”, ông Thuận nói. Bi hài hơn khi có nhà thầu được giao thi công nhưng đã “bỏ của chạy lấy người” vì địa bàn xây dựng quá khó khăn, hiểm trở.

Nhiều đơn vị bỏ dở thi công, để các mố cầu phơi nắng mưa suốt ngày này qua tháng khác khiến lãnh đạo Ban 3 phải “cầu cứu” ông Nguyễn Tăng Cường. Tại cuộc họp hồi cuối tháng 8/2016, ông Thuận nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta không phải mời anh Cường đến đây nữa, mà là tới nhờ anh ấy giúp thi công tiếp. Khi đi thực tế trên những cây cầu treo anh ấy làm, chúng tôi thấy rất chắc chắn, không có hiện tượng rung lắc như những chiếc cầu treo khác. Người ta bảo hành 30 năm thì anh ấy bảo hành 45 năm. Như thế là làm từ thiện cho bà con rồi”.

Không chỉ đại diện Ban 3 mà nhiều nhà thầu khác như đơn vị giám sát, đại diện Cty Thái Sơn, Cty Duyên Hai… cũng ca ngợi chất lượng, thẩm mỹ của một số công trình cầu treo do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thiết kế, thi công.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết, để đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật của những cây cầu treo dân sinh, đồng thời thi công được nhanh, đồng bào sớm có cầu sử dụng thì các cây cầu cần thiết kế theo dạng module. Ở mỗi vùng, tuỳ điều kiện địa hình, địa chất nơi đặt cầu mà có những module phù hợp, đảm bảo chất lượng, trên cơ sở đó sẽ áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước. “Đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhất. Vừa kiểm soát được chất lượng, vừa rút ngắn những thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc miền núi” – ông Cường nói.

Trước đó, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo 4 mục tiêu khi triển khai thi công cầu treo, đó là an toàn nhất, nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất. Ông Thăng cũng từng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thiết kế, triển khai thi công 186 cầu treo dân sinh bằng nguồn kinh phí tự ứng trước của Tập đoàn, không tính lãi và sau đó Chính phủ sẽ trả dần. Đồng thời việc xây dựng vẫn phải dựa trên cơ sở thiết kế điển hình, thi công dễ dàng, thuận lợi…

-Minh Đức - Báo Tiền Phong-

Scroll